NGHIÊN CỨU KHoa học

Chương trình Bước đầu Nghiên cứu Khoa học của nhóm Y Sinh là một hoạt động ngoại khoá trọng tâm mà MVA dành nhiều tâm huyết. Mục đích của chương trình là truyền cảm hứng với nghiên cứu khoa học, cụ thể là lĩnh vực Y học và Sinh học, cho các em học sinh từ tuổi nhỏ. Đây là bước khởi đầu để các bạn có thể biết và hiểu được khái niệm căn bản về các nghiên cứu nhỏ, và cũng là bước đệm để nhen nhóm và nuôi dưỡng tình yêu của các bạn nhỏ dành cho khoa học. 

Chương trình Y Sinh may mắn được dẫn dắt bởi một đội ngũ cố vấn là những nhà khoa học đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu. Không chỉ có niềm đam mê với nghề, các thầy cô trong ban Cố vấn cũng là những người yêu trẻ, cùng mong muốn chung tay với MVA góp phần tạo dựng nên một thế hệ các bạn trẻ yêu thích khoa học. 

Tiến sỹ Nguyễn Thị Ánh Dương
Trưởng Ban Cố vấn của nhóm Y Sinh

Cô Ánh Dương tốt nghiệp chương trình Thạc sỹ bên Bỉ (học bổng Erasmus Mundus), Tiến sỹ bên Đức (học bổng DAAD), đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2017 do Bộ KH & CNVN trao tặng. Cô Ánh Dương đã công bố hơn 30 bài báo quốc tế trong đó có một bài trên tạp chí Nature – một tạp chí chuyên ngành khoa học có uy tín hàng đầu thế giới. Chuyên ngành nghiên cứu chính của cô Ánh Dương là về Tuyến trùng và Ứng dụng vi sinh vật nhỏ bé để sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lưu Quang Vinh
Thành viên Ban Cố vấn

Chú Vinh là Tiến sỹ Sinh học tại Đại học Cologne, Đức và là Giảng viên trường Đại học Lâm nghiệp – Trưởng bộ môn Động vật rừng. Hiện tại chú Vinh đang đang làm chuyên gia cho tổ chức Di trú của Đức (CIM, GIZ). Chú là chuyên gia về nhóm Động vật Lưỡng cư, Bò sát, Ếch nhái. Chú Vinh đã công bố hơn 50 bài báo khoa học quốc tế trong đó có nói về hơn 15 loài mới cho khoa học.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Xuân Phương
Thành viên Ban Cố vấn

Cô Phương hoàn thành chương trình Thạc sỹ với học bổng Vlir-UOS tại trường Đại học Tổng hợp Gent và tốt nghiệp bậc Tiến sỹ với học bổng ARES-CCD tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Cô là Nghiên cứu viên Phòng Tuyến trùng học – Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật- Viện Hàn lâm KH&CNVN, và là Giảng viên Học viện KH&CNVN. Cô là chuyên gia về tuyến trùng sống tự do và ứng dụng chúng trong đánh giá chất lượng môi trường các hệ sinh thái thủy vực. Cô Xuân Phương may mắn được tham gia rất nhiều các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Quốc gia và Hợp tác Quốc tế với các nước Bỉ, Pháp, Nga, vv về đa dạng sinh học, sinh thái học, quan trắc môi trường biển và sức khỏe cộng đồng.

Chương trình Bước đầu Nghiên cứu Khoa học được bắt đầu triển khai từ khoảng tháng 10/2019 cho tới nay đã được gần hai năm. 

Năm 2019 

Chương trình đã có năm đầu tiên thử nghiệm thành công trên Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh. 

Trong năm thứ nhất thực hiện, các con học sinh của MVA đã được đi thực địa tại Trạm Mê Linh và được chia thành các nhóm nhỏ nghiên cứu năm chủ đề chính khác nhau trong đó có hai chủ đề về Thực vật và ba chủ đề về Động vật. 

Các con đã được đi thu mẫu, lấy số liệu, khám phá thế giới đa dạng sinh của học của Trạm, và cuối cùng là các con được học cách viết một báo cáo khoa học hoàn chỉnh. Các chuyến đi thực địa không chỉ mang đến cho các con cơ hội khám phá, hoà mình vào thiên nhiên; hiểu thêm công việc của một nhà nghiên cứu khoa học; có thêm những trải nghiệm đáng nhớ với các bạn bè đồng trang lứa mà vì đặc thù của một ngôi trường trực tuyến thì gần như các bạn chỉ biết nhau qua màn hình máy tính. Chính những hoạt động như thế này đã góp phần xây dựng một cộng đồng phụ huynh và học sinh Minh Việt giàu tình cảm, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mặc dù chưa từng gặp mặt. 

Năm Nghiên cứu Khoa học đầu tiên của các nhà khoa học nhí được đánh dấu bằng buổi trao giải và phần thưởng cho các nhóm tham gia. Khi được nhận giải do bác Gấu – Giám đốc Dự án MVA – trao tặng, các bạn đều đã có rất nhiều cảm xúc. Nhóm được $200 thì vui mừng hỉ hả, nhóm được $100 thì có chút buồn vì lý do chia đều ra trong nhóm thì mỗi bạn chỉ có $20, nhóm nhận giải khuyến khích lại vui hơn cả vì được quà kỉ niệm động viên của bác Gấu. 

Kết thúc năm 2019, hoạt động Nghiên cứu Y Sinh đã nhận đăng ký của 292 học sinh trong đó có 212 học sinh được đi thực địa trên Trạm Mê Linh trên tổng số 10 chuyến đi. Trong số 140 bạn hoàn thành báo cáo, có 16 bạn đạt giải Nhất, 17 bạn đạt giải Nhì, 14 bạn đạt giải Ba, và 10 bạn đạt giải Khuyến khích. 

Năm 2020

Sang năm thứ hai, chương trình được tiếp tục triển khai với hoạt động Thăm quan và Học tập tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Đại học Lâm nghiệp. 

Hoạt động ở Bảo tàng Thiên nhiên dành cho nhóm học sinh trong độ tuổi từ 5 đến 9 tuổi. Chương trình được xây dựng với nhiều nội dung phong phú và được thiết kế dành riêng cho các học sinh của MVA. Các con được tìm hiểu về nguồn gốc của sự sống, lịch sử sự sống, sự sống thời hiện tại.  Các con cũng được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như làm tiêu bản côn trùng, mô phỏng hoá thạch, xem phim 3D về thế giới khủng long và bò biển, và còn nhiều hoạt động khác. Sau mỗi buổi tham quan học tập ở bảo tàng, các con được kiểm tra lại kiến thức đã thu được qua các bài trắc nghiệm, viết báo cáo đơn giản dưới hình thức chụp ảnh và quay phim có sự hỗ trợ của bố mẹ. 

Chương trình Nghiên cứu về Rừng và Đa dạng sinh học ở trường Đại học Lâm nghiệp được thiết kế dành cho nhóm các học sinh lớn từ lớp 5 đến lớp 10. Các con được tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn mang tính thực tiễn như giải cứu động vật và thực vật hoang dã, học cách sử dụng định vị GPS để tìm các cây và các con trong rừng, học cách tách chiết tinh dầu, tìm hiểu về các hoạt động nghiên cứu môi trường nước, tham quan trạm quan khắc khí tượng vv. Chương trình đã hoàn thành với năm chuyến đi thực địa trong năm Chủ Nhật liên tục cho gần 200 học sinh.

Như vậy, tính đến tháng 4/2020, hoạt động năm thứ hai của nhóm Y Sinh đã thu hút được hơn 1000 học sinh và phụ huynh tham gia. 

Trong thời gian tới, nhóm Y Sinh sẽ triển khai hoạt động tại khu vực miền Trung và Sài Gòn với gần 300 học sinh và phụ huynh. 

MVA SCIENCE TALK

Nhận thấy tầm quan trọng của việc Nghiên cứu Khoa học và sự phổ cập kiến thức khoa học cho các con học sinh ở độ tuổi từ khi còn bé, MVA quyết định từ nay sẽ mở rộng các buổi trò chuyện khoa học ra cộng đồng mà không chỉ dành riêng cho học sinh MVA. 

Đây là một chương trình có giá trị to lớn và mang nhiều lợi ích thiết thực. MVA xin mời các gia đình tham gia các series MVA Science Talk vào 11h sáng Chủ nhật hàng tuần. 

Thông tin về các buổi trò chuyện khoa học sẽ được cập nhật hàng tuần tại đây. 

 

 

Trong buổi học về chủ đề Chúng mình nếm được những vị gì? ba tuần trước, chúng ta đã cực kỳ hào hứng với những khái niệm vị cơ bảnhươngmùicảm giác trong miệng, “tưởng như là một” và rất rất gần gũi đơn giản nhưng hóa ra lại nhiều bất ngờ, thú vị đến vậy.

Trong 5 vị cơ bản có vị umami, được nhiều người chúng ta biết đến qua bột ngọt. Có ý kiến cho rằng sử dụng bột ngọt không tốt cho sức khỏe. Điều này có đúng không? Và chúng thực sự tiềm ẩn rủi ro gì cho sức khỏe của con người?

Chúng ta hãy cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi về bột ngọt và cách sử dụng sao cho an toàn với loại gia vị thật là ngon này trong buổi Trò chuyện Khoa học “Bột ngọt, vị ngon mà có tốt?” với TS. Vũ Thị Minh Hằng vào 11h sáng Chủ nhật tuần này nhé!

Đây là chương trình mở rộng rãi cho cộng đồng. MVA xin được chào đón tất cả các bố mẹ và các con.

 

Thời gian: 11h sáng Chủ nhật 24/3

Link Zoom: https://minhvietacademy.zoom.us/j/96213460404

 

Bạn đã sẵn sàng?

Đăng kí tài khoản để trải nghiệm học tập

Đăng ký ngay

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập