Một ngày chúng ta sẽ gặp lại

Khai bút năm nay của mình có liên quan tới một tin buồn. Người thày, người đỡ đầu, người bạn, người mà mình biết ơn và ghi công cho tất cả những điều tốt đẹp mình có ngày hôm nay là cựu Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam (1995-1997) Desaix Anderson mới qua đời ngày hôm qua, 1 ngày trước khi bác tròn 85 tuổi.

Ở tuổi đầu trung niên này, mình không bị sốc ngay với tin buồn nên lúc sáng sớm nay biết tin mình vẫn rất bình tĩnh nhưng hai tiếng vừa rồi mình ôn lại những kỷ niệm về người bạn lớn nhất trong đời này và trong lòng mình giờ thực sự trĩu nặng sự tiếc thương cho người bạn vừa qua đời. Tuy nhiên, sự tiếc thương của mình không phải là sự buồn khổ nặng nề than khóc. Bác Desaix đã sống một cuộc đời tuyệt vời hơn cả tiểu thuyết nên giờ là lúc nghĩ đến để cùng kỷ niệm một cuộc sống thật đáng sống.

Hôm nay vì hoàn cảnh đặc biệt kể lại câu chuyện về Desaix mình xin phép bà xã ở đây cho nhắc lại một chút lịch sử đời mình mà mình thường không mấy khi nhắc lại hay chia sẻ với ai.

Mình bắt đầu ra chùa Một cột và khu vực quanh bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội hàng ngày để gặp các bạn khách du lịch ba lô để nói tiếng Anh và để nhìn ra thế giới từ sau 19/5/1990. Do nói và đọc truyện tiếng Anh hàng ngày, tới cuối 1991 thì mình đã có tiếng Anh khá lắm so với thời đó. Việc này tự nhiên dẫn đến việc các bạn khách du lịch nhờ mình lo các việc du lịch và từ đó mình trở thành một người hướng dẫn viên du lịch nhỏ tuổi một cách tự nhiên. Mình kiếm được những đồng tiền đầu tiên (một tờ 10 đô và một tờ 5 đô) từ công việc này vào năm 1991 lúc giữa năm lớp 12 ở Chu Văn An. Mình tiếp tục làm công việc này part-time cho tới chuyến đi cuối cùng là mùa thu 1994.

 

Một ngày tháng 4/1994 lúc 17 tuổi rưỡi đang học năm 2 Ngoại thương, mình vừa ốm dậy nhưng nhớ chùa Một cột và các anh chị bạn bè quanh đó, nên vẫn đạp xe ra và ngồi một mình trên ghế đá dọc lối đi, tay cầm điếu thuốc chưa hút. Có một cô Tây đi qua thấy mình ngồi đó thì hỏi mình còn thuốc lá không thì cho cô một điếu. Mình chỉ có một điếu nên đưa cô luôn. Cô đấy đi một lúc rồi lại quay lại hỏi mình có lửa không. Mình châm lửa cho cô ấy hút thuốc mà không biết là mình cũng vừa châm lửa luôn cho một tình cảm kéo dài 4 năm rưỡi cho tới khi mình qua Princeton học cao học vào mùa hè năm 1998.

Mười bảy tuổi rưỡi mình đã là một người trưởng thành về tâm tưởng và trí tuệ nên mình cân một cô người yêu hơn tuổi người Mỹ không có vấn đề gì nhưng rõ ràng là sự trưởng thành về cảm xúc cũng như thể chất thì đều là chín ép, là quân Cao Biền dậy thì non. Thế nhưng đứa trẻ cụ non biết mấy ngoại ngữ và có vẻ hiểu biết thế giới trong một đất nước vừa mở cửa còn chưa được bỏ cấm vận có một thứ duyên gì đó giữ cho người nữ khách ở lại. Trong suốt một năm, bạn kia cố tìm mọi cách để quay lại rồi ở lại Việt Nam với mình. Cuối cùng thì mùa xuân hè năm 1995, Phẫu thuật Nụ cười Operation Smile cần một người đại diện ở luôn tại Việt Nam và bạn mình, trước đã làm việc cho Nestle ở Vevey – Thụy Sỹ – đã xin được việc đó. Và mình bắt đầu các công việc tình nguyện cho Phẫu thuật Nụ cười OS. Đây là lý do tại sao Viet Nguyen đến với Phẫu thuật Nụ cười.

Trong một buổi tiếp tân của OS vào những ngày cuối năm 1995 tại phòng họp tầng 1 cánh Opera của khách sạn Metropole, mình là người dịch tình nguyện cho OS. Khi mình dịch xong, có một người đàn ông phương Tây trung tuổi tới nói với mình là cậu dịch rất tốt, liệu cậu có muốn đi dịch cho tôi không. Mình hỏi là thưa bác là ai. Vị ấy đưa danh thiếp và mình nhận ra đây là Đại biện Hoa Kỳ Desaix Anderson mới đến Hà Nội để mở và lãnh đạo văn phòng liên lạc Hoa Kỳ tại Hà Nội. Mình tất nhiên mừng rỡ quá được Đại biện Mỹ mời phiên dịch. Sau một cuộc phỏng vấn với chị Nguyen Thi Bich Ha và Bryan Dalton thì mình trở thành phiên dịch được bác Desaix lựa chọn sử dụng trong nhiều cuộc gặp quan trọng của những ngày đầu khôi phục quan hệ ngoại giao hai nước.

Trong gần hai năm sau đó cho tới lúc bác Desaix rời Hà Nội (5/1997) thì mình có may mắn được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nói nhiều chuyện thời đó được coi là thâm cung bí sử với bác. Mình dù đọc nhiều nhưng chưa tranh luận, viết lách để ý kiến được thử thách trong phản biện nên lời lẽ giọng điệu chắc chắn còn hung hăng. Desaix đã dạy cho mình những bài học đầu tiên về ngoại giao, chính trị, đưa mình thành một người tin vào tự do – bình đẳng – bác ái, về cống hiến cho sự nghiệp chung. Hai bác cháu có những cuộc thảo luận nảy lửa về chiến tranh Việt Nam, về bầu cử ở Campuchia, về biển Đông và tam giác quan hệ Mỹ Trung Việt, về quan hệ bán đảo Triều Tiên, về việc một nhà nước nhất định có phải là nhà nước cảnh sát hay không. Thời đó dù biết bác là Đại biện Mỹ thì cũng là oai đi nhưng quả thật hồi đó mình chẳng biết lắm Đại biện hay Đại sứ Mỹ là gì, là nào, và bác từng làm gì. Mình cứ thế là tranh luận liên hồi kỳ trận không lúc nào ngưng. Và Desaix không bao giờ mất kiên nhẫn với mình, liên tục uốn nắn, chỉ bảo, giải thích.

Hai năm làm việc với bác mới chính là hai năm đại học thực sự của mình. Ở tuổi 19 lúc người ta còn đang là đứa trẻ ranh chưa ráo máu đầu, mình được giao cho thay mặt bác nói những lời tình cảm chân thành với các vị lãnh đạo Việt Nam. Trong công việc với bác, mình đã được gặp những người sau này thành bạn cả đời như chú Mike cô Chấn, anh Ted Osius Đại sứ Mỹ tại Việt Nam sau này, anh Lý Trần, và nhiều nhiều người khác.

Về sau này càng lớn mình mới càng biết mình từng dốt thế nào. Desaix Anderson đã từng là Phó Trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Đông Dương rồi Đông Á, Phó Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, vv và vv. Mình là thằng bé hướng dẫn du lịch trẻ ranh Việt Nam mà cứ khăng khăng cãi nhau những điều ngô ngọng với bác. Thế nhưng Desaix vẫn luôn là người bạn trung thành nâng đỡ mình. Nhờ bác mà mình vào được Princeton học cao học lần đầu. Tới khi Princeton đuổi học vì mình bỏ thi, chắc cũng nhờ bác mà Princeton nhận lại mình lần 2.

Hôm trước mình có kể với các con là mình đã từng là đứa trẻ ngang ngạnh thế nào. Ví dụ lần đầu bị Princeton đuổi học vì không thích một thày thì bỏ luôn thi hết khóa. Lần hai quay về vẫn không ngoan hơn, một lần mang bài kiểm tra giữa kỳ tới nộp cho thày vào ngày trước hôm thi cuối kỳ – tức là nộp bài muộn 1 tháng rưỡi. Đứa trẻ ngốc nghếch ngang bướng đấy đã làm bao nhiêu người khổ, trong đó có bác Desaix.

Sau khi rời Việt Nam, bác Desaix được Tổng thống Clinton bổ nhiệm làm giám đốc chương trình Kedo – một chương trình qua đó Hoa Kỳ , châu Âu, Hàn Quốc đánh đổi lương thực với Triều Tiên để Triều Tiên dừng chương trình vũ khí nguyên tử. Đây là lý do mà mình có mối quan tâm, gắn bó với các vấn đề bán đảo Triều Tiên khởi đầu từ tình bạn với Duong Chinh Chuc thời trung học ở Chu Văn An và kéo dài đến tận bây giờ. Ở Bắc Kinh năm 2001, mình tới sứ quán Triều Tiên để lấy visa (nhưng không được), và khi ra thì đi nhờ được ô tô của sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh một đoạn đường. Trong xe có hai người thì một là trợ lý của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Joe Biden và một là người có lẽ sẽ trở thành Đại sứ Mỹ tiếp tới tại Việt Nam. Tất cả những thứ tình cờ vui vẻ như tiểu thuyết trinh thám đó mình có được đều là nhờ Desaix.

Desaix là người thày, người bạn, người đỡ đầu trung thành, trung thực, bao dung, chân thành, và là một người Dân chủ Tự do tuyệt đối. Mình được học những năm tháng đầu đời với người thày đó thì tất nhiên không thể đi con đường nào khác. Nhờ có Desaix mình mới có Princeton, nhờ có Princeton mới có Cairo, Beirut, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, IMF, World Bank, mới có Hien Nguyen rồi Aki và Việt, rồi mới có Obama và Biden, mới có phòng Bầu Dục và những buổi làm việc kỳ thú ở Nhà Trắng, ví dụ như là ngồi một mình cả đêm trong phòng Tình huống (Situation Room). Khi Trump thắng cử, mình sốc nặng và việc đầu tiên mình làm là đi New York gặp Desaix để xin lời khuyên. Khi Joe Biden thắng cử và mình có các lựa chọn công việc khác nhau trong chính quyền mới, thì một trong những người đầu tiên mình hỏi ý kiến là Desaix. Bác cũng đồng ý làm một trong những người bảo trợ cho trường Minh Việt MVA. Trong truyện hành trình San Du ký mà MVK đang làm có hai người dẫn đường cho đoàn Ánh sáng là ông bà Rob và Sue Anderson cũng là đặt tên theo để tỏ lòng biết ơn Desaix Anderson. Về mặt tinh thần, người bạn này đúng là người cha tinh thần của mình.

Những năm tháng cuối đời, Desaix không giữ liên hệ với nhiều người nhưng bác luôn trả lời thư mình. Chính vì lẽ đó rất nhiều người, đôi khi kể cả Bộ Ngoại giao Mỹ có điều cần nhắn bác, thì lại nhắn qua mình. Đây là một thứ đặc quyền mình trân trọng vô cùng. Một điều nữa mà hôm nay trong lúc viết những lời tâm tình này về bác mình sẽ nói một lần. Desaix là người đồng tính ái, và khi mình khởi đầu ra làm việc cho bác, nhiều người bạn bè nước ngoài ở Hà Nội có nói thầm thì với mình hay với cô bạn gái Mỹ xưa là cần lưu ý. Có điều quả thực lúc 19 tuổi mình cũng chẳng biết chẳng hiểu lắm về đồng tính ái. Tuy nhiên bác rất cởi mở với mình để chuẩn bị cho những tình huống trong các cuộc họp người ta hỏi về gia đình bác thì cần nói gì. Trong cư xử, tuyệt nhiên không có lúc nào bác cư xử với mình không phải như với một người bạn thân tình, trân trọng và quý mến. Cách bác đón nhận và trân trọng bạn gái mình thời đó, các quý ban nữ về sau, và bạn gái cuối cùng của mình là mẹ của Aki và Việt giống cách của người cha tự hào về con trai của mình được nữ giới quý mến.

Hôm nay mình dành buổi sáng mùng 1 Tết để viết về một con người thông minh, hài hước, nhân văn, nhân hậu, một gentleman, một họa sỹ, một hình mẫu nhà ngoại giao cổ điển, một người đã sống 85 năm đẹp đẽ tuyệt vời, một người bạn yêu quý Việt Nam vô điều kiện và vì yêu quý Việt Nam như thế nên mới thương quý đứa trẻ ngáo ngơ là mình hồi bé. Dù mình đã ra khỏi tổ mà bác tạo ra để tự bay nhảy được rồi, mình không thể quên được lúc còn là con chim bé mới ra ràng còn lạ lẫm với thế giới. Sự ra đi của những người như Desaix đánh dấu việc những người như mình cần dũng cảm lên để thừa kế thế giới và công việc mà họ để lại.

Xin quỳ xuống cảm ơn người thày, người bạn, vị ân nhân mà tôi sẽ biết ơn suốt đời. Kính chúc Ngài Đại sứ một chuyến đi dài thật bình an tới bên kia thế giới. Một ngày chúng ta sẽ gặp lại.

 

Nguồn: Theo bài viết của anh Gấu – Anh Phạm trên trang FB cá nhân

Ngày 12/2/2021.